Lấy chồng sớm coi như bỏ nghề

Sunday, January 2, 2011


Sinh ra ở Nga, 5 tuổi chuyển vào TP HCM, du học 10 năm ở Trung Quốc, Linh Nga vẫn giữ một giọng nói thuần Bắc thanh nhẹ, ngọt ngào. Hồi tưởng về quãng thời gian du học xa nhà, cô mỉm cười chia sẻ: “Mười năm trôi qua quá nhanh, nếu được ước tôi vẫn ước có thêm mười năm nữa...”.

Linh Nga sẵn sàng hy sinh mười năm cho một sự trở về có ích đối với ngành múa Việt Nam.
Linh Nga sẵn sàng hy sinh mười năm cho một sự trở về có ích đối với ngành múa Việt Nam.
- Ấn tượng đầu tiên của chị khi đặt chân đến Bắc Kinh?
- Sau 6 năm sống và học tập tại trường múa Quảng Đông, mùa thu năm 2004, tôi lên Bắc Kinh, bắt đầu 4 năm đại học của mình. Tôi ngỡ ngàng vì một thành phố quá rộng lớn với nhịp sống gấp gáp hơn nhiều nơi mình đã đi qua. Nhưng phải đến khi bước chân vào học viện múa Bắc Kinh, nơi đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ thành danh, tôi mới thật sự thấy mình nhỏ bé. Được sống và học tập với người giỏi là hạnh phúc, cũng là động lực thôi thúc tôi phải nỗ lực tập luyện.
Mùa đông Bắc Kinh từng là nỗi kinh hoàng đối với diễn viên múa Linh Nga.

- Khó khăn lớn nhất với chị trong những ngày đầu là gì?
- Tôi phải chịu những cơn đau nhức dai dẳng trong tiết trời giá lạnh và khô nẻ điển hình của Bắc Kinh. Theo nghề múa, chúng tôi sợ nhất bị thương ở chân, tay. Tôi không thể quên những ngày chân lún trong tuyết để tới trường, tới lớp tập. Nỗi nhớ nhà vì thế càng xoáy sâu trong tim tôi. Bốn năm đại học, tôi sống một mình trong ký túc, tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả lại những khó khăn ngày ấy. Nó là sự trộn lẫn của tủi thân, lạc lõng, yếu đuối, muốn có gia đình ở bên, muốn được ở nhà mình, quê hương mình. Nhưng đó là những điều tôi cần phải trải qua, để tôi có thể là tôi như bây giờ.
Xa nhà từ năm 12 tuổi, Linh Nga đã trải qua mọi cảm giác đắng cay mặn ngọt để trưởng thành như hôm nay (cô ngồi bên phải).
- Chị mất bao lâu để hòa nhập với cuộc sống bên ấy?
- Năm 1998, tròn 12 tuổi tôi đến Quảng Đông. Mất ba tháng tôi nói được tiếng Hoa và quen dần với cuộc sống ở đây. Có lẽ vì sớm trang bị cho mình vốn ngoại ngữ nên khi lên Bắc Kinh, tôi nhanh chóng hòa đồng với bạn bè, trường lớp.
- Chuyên ngành múa dân tộc dân gian là mảng rất mạnh của ngành múa Trung Quốc. Điều lớn nhất chị học được từ đó là gì?
- Múa dân gian nói riêng và múa nói chung là bộ môn nghệ thuật được khán giả bản địa đánh giá rất cao và đón chào nồng nhiệt. Tôi quyết định theo đuổi chuyên ngành này trước hết vì lòng đam mê. Sau này, càng đi tôi càng thấy chính những nét gần gũi của múa dân gian sẽ giúp tôi tiếp cận gần hơn với khán giả Việt, văn hóa Việt. Ở bất kỳ đâu, chỉ cần vang lên một làn điệu dân ca là đủ khiến lòng người xao xuyến. Dân gian đương đại là cái mà tôi nghĩ mình cần phải học và tư duy thêm nhiều.
Ở trường tôi cũng có nhiều bạn người Mỹ nhưng đăng ký học múa dân tộc dân gian, cuộc sống hiện đại tân tiến không ngăn họ tìm về những giá trị của người châu Á.
Linh Nga học được lòng kiên trì theo đuổi nghề và nỗ lực tập luyện.
- Chị nhận thấy thế mạnh của diễn viên Trung Quốc nằm ở đâu? Chị học được gì từ những thế mạnh ấy?
- Thế mạnh của diễn viên Trung Quốc nằm ở chính lòng nhiệt huyết quá lớn đối với nghề. Họ coi múa là sinh mạng của họ. Họ nâng niu từng đôi giày tập, từng bộ đồ diễn. Họ mất ăn mất ngủ khi không được diễn trên sân khấu. Họ không coi múa là một thứ để kiếm tiền, là một nghề để nhún nhảy cho vui. Với họ, múa là một cách thêm lên nghị lực và sự nhanh nhẹn. Diễn viên múa là những người có sức chịu đựng bền bỉ. Người Trung Quốc hầu như ai làm nghệ thuật cũng từng học múa hoặc là diễn viên múa.
Tính đoàn kết và lòng kiên trì là một trong những điều tôi đã học được. Nghệ thuật bao gồm nhiều thứ lắm. Cá nhân thì phải nỗ lực, tập thể thì cần đồng lòng, và quan trọng nữa là cần có một cái duyên, một năng khiếu làm nghệ thuật.
- Một môi trường tốt như vậy vì sao không đủ níu chân chị ở lại?
- Càng thấy họ giỏi tôi càng muốn nhanh nhanh trở về để cống hiến và đẩy mạnh ngành múa nước mình. Tại sao lại phải ở Trung Quốc? Tại sao không về Việt Nam? Khi ở đây tôi có ích, lòng tôi vững vàng hơn khi làm việc trên quê hương.

- Ở trường, thầy cô dành sự ưu ái gì cho cô sinh viên trẻ tuổi người Việt?
- Cả Học viện múa Bắc Kinh chỉ có mình tôi là người Việt. Đôi khi thầy cô bạn bè còn không biết tôi là sinh viên nước ngoài. Nếu có biết, thầy cô vẫn nghiêm khắc, sinh viên bản địa thế nào thì tôi cũng phải như thế. Chính sự nghiêm khắc ấy đã giúp tôi trưởng thành hơn về chuyên môn.
- Quan hệ của chị với bạn bè bên ấy thế nào?
- Học trong một môi trường nghệ thuật, bốn năm đại học, tôi không có cơ hội để giao lưu với các bạn lưu học sinh Việt Nam tại các trường khác nên càng không có một người bạn thân đồng hương. Xung quanh tôi chỉ có bạn bè người bản địa, thân thiết thì hầu như đến từ Thượng Hải, Mông Cổ và cả Tân Cương nữa, bạn bè đều không có khoảng cách hay rào cản ngôn ngữ. Đến lúc tốt nghiệp, sắp trở về nước các bạn mới nói một câu: “Ôi, mình quên mất bạn là lưu học sinh!”.
Linh Nga chưa bao giờ mất đi bản sắc Việt trong những điệu múa của mình.
- Nhiều người cho rằng với gốc rễ kỹ thuật học ở Trung Quốc, chị sẽ múa như một người Trung Quốc, chị suy nghĩ sao về điều này?
- Học ở đâu tất nhiên sẽ chịu một phần ảnh hưởng ở đó. Nhưng ảnh hưởng đó không đủ biến tôi thành một người Trung Quốc. Vì hơi thở tâm hồn tôi là người Việt. Trong quá trình đi học, tôi vẫn về Việt Nam tham gia nhiều hoạt động, nhiều chương trình. (Linh Nga từng tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 và đạt giải xuất sắc). Trở về nước, tôi đầu quân cho Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và trực tiếp lên lớp hướng dẫn cho các em nhóm Những ngôi sao nhỏ... Biết bao công việc và niềm vui.
Nghệ sỹ múa nổi tiếng Dương Lệ Bình gắn liền tên tuổi mình với "Vũ điệu chim công". Cô từng quen thuộc với khán giả Việt Nam qua vai Mai Siêu Phong trong Anh hùng xạ điêu phiên bản 2006. Cô là một trong những người Linh Nga rất ngưỡng mộ. Ảnh: Sina.
- Ở nước bạn, một nghệ sĩ múa thường làm nên tên tuổi bằng một vũ điệu đặc trưng(như Dương Lệ Bình với “Vũ điệu chim công”). Linh Nga từng múa điệu “Nàng tiên cá” hay “Cây”. Chị có định gắn mình vào một hình tượng nào không?
- Chị đã nhắc đến một người mà tôi rất ngưỡng mộ sau mẹ tôi. Dương Lệ Bình đã không cho phép bản thân có con chỉ vì muốn theo nghề. Cô ấy còn bán hết nhà cửa để lo chi phí làm show diễn, đủ để biết cô ấy yêu múa đến thế nào. Làm gì cũng vậy, đôi khi nhiệt huyết, lòng tự trọng với nghề, đạo đức của một người diễn viên không cho phép tôi thả lỏng hoặc bỏ bê nghề nghiệp. Tôi hết mình bất kể là “Cây” , “Nàng tiên cá” hay một hình tượng nào khác.
Cô luôn tỏa sáng trong những điệu múa dân gian.
- Chị đầu tư bao lâu cho một tiết mục múa?
- Rất khó có câu trả lời. Biểu diễn xong một tiết mục chúng tôi vẫn tập đi tập lại tiết mục đó, vì luyện tập sẽ tốt cho bản thân mình trước tiên.
- Ăn-ngủ với múa, chị dành lúc nào cho chuyện tình cảm, khi mà yêu đương là điều rất cởi mở ở Trung Quốc?
- Bạn bè tôi chỉ biết học và múa thôi. Ngoài ra cũng không có thú vui nào hết. Đến mùa đông, chúng tôi suốt ngày ngồi ở nhà tâm sự hoặc lên sàn tập chơi với nhau. Muốn làm nghệ thuật mình phải kiềm chế và để chuyện riêng tư qua một bên. Chúng tôi còn trẻ, cơ hội còn nhiều, đi học là đi học, không thể vì chuyện tình cảm mà ảnh hưởng đến nghề nghiệp.
Linh Nga nói, muốn làm nghệ thuật phải chấp nhận gạt chuyện riêng tư qua một bên. Đến nay tình yêu với cô vẫn là một điều xa vời trước mắt.
- Nhưng tình yêu giống như chất xúc tác vậy, khiến con người đẹp và giàu cảm xúc hơn. Nhất là nghệ sĩ, những người luôn rung động trước mỗi chi tiết nhỏ của cuộc sống, chị nghĩ sao? 
- Đối với tôi tình yêu là điều đặc biệt thiêng liêng. Nó cũng có thể là chất xúc tác cho nghệ sĩ, làm cho người nghệ sĩ lãng mạn hơn. Nhưng đôi khi tình yêu làm phiền họ. Đối với diễn viên múa, nếu lập gia đình sớm thì coi như là bỏ nghề. Tôi xác định được cái gì là điều tôi muốn trong thời điểm này.Tình yêu sẽ đẹp khi cả hai đều có chỗ đứng trong xã hội. Mà tôi còn đang mải mê công việc thế này, tôi chưa thể chăm lo cho tình yêu được!
Trong công việc, Linh Nga là một người rất quyết tâm và cầu toàn.
- Đã có bao nhiêu “Mạnh Thường Quân” đề nghị hỗ trợ cho show “Vũ” sắp diễn ra?
- Tôi bắt tay vào chuẩn bị cho chương trình từ tháng 4, đến nay tôi chưa nhận được lời đề nghị của một “Mạnh Thường Quân” nào. Chính tôi và bố vẫn tự cùng nhau đi xin tài trợ. Ngoài ra, hãng Indochina Airlines khi mời tôi làm đại diện đã nhiệt tình nhận lời giúp tôi thực hiện hóa mơ ước ấp ủ bấy lâu.
Tài trợ rất quan trọng nhưng một điều quan trọng nữa là chuyên môn. Nếu chương trình không có nội dung thì làm show để làm gì. Đây là một trong những chương trình trọng điểm được Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đứng ra tổ chức. Nếu không xin được nhiều nguồn tài trợ thì chương trình vẫn sẽ tiến hành.
- Nhiều người hơi e ngại về độ hấp dẫn của một show diễn độc tiết mục múa, chị tự tin đến đâu trước khi ra Hà Nội?
- Mặc dù đây không còn là điều quá lạ lẫm ở TP HCM, nhưng có lẽ ở Hà Nội diễn viên múa vẫn chưa có nhiều điều kiện, cơ hội để tỏa sáng. Chỉ còn chưa đầy một tháng, "Vũ" sẽ đổ bộ đến Hà Nội và sau đó là TP HCM. Đây sẽ là chương trình hơn 100 phút đầy ắp những tiết mục múa. Nội dung chương trình được chia làm hai phần: múa Trung Quốc và múa Việt Nam. Sẽ có những tiết mục lẫy lừng của Trung Quốc như Thiên thủ quan âm( Phật bà nghìn mắt nghìn tay) hay Ngắm mình dưới trăng(điệu múa gắn liền với tên tuổi Dương Lệ Bình) dưới sự chỉ đạo của biên đạo múa bản địa. Ở phần múa Việt Nam, tôi được sự hỗ trợ rất lớn của bố mẹ Vương Linh- Đặng Hùng cùng nhạc sĩ Quốc Trung và ban nhạc.
Những động tác múa luôn làm nổi bật Linh Nga trong vai trò model.
- Một ngày của chị như thế nào?
- Một ngày của tôi dành hết cho múa. 9h30 sáng tôi tập cơ bản tại Đoàn Bông sen đến 12 giờ. Chiều 15h tự tập những tiết mục của mình. Tối 19h30 đến 22h tôi tập với các em trong đội Những ngôi sao nhỏ. Đêm trở về lại trò chuyện với bố mẹ về múa. Thế là hết một ngày. Lâu lâu tôi đi diễn hoặc quay quảng cáo. Quay quảng cáo thì vẫn có những đoạn múa. Thế là múa chiếm hết thời gian rồi...

0 comments:

Post a Comment

KhmerVDO